Dấu hiệu cảnh báo bạn nên từ chối lời mời làm việc
Khi đang tìm việc, chắc chắn bạn rất mong chờ vào những cơ hội, đặc biệt là công việc tại các công ty mơ ước. Thế nhưng, liệu có lúc nào bạn cảm thấy băn khoăn và muốn từ chối lời mời làm việc dù trước đó bạn đã dành rất nhiều hy vọng cho vị trí ứng tuyển?
Một lời mời làm việc có thể tồn tại nhiều nguy cơ hơn bạn nghĩ
Nếu như có các dấu hiệu cảnh báo sau đây, bạn có thể sẽ cần phải suy nghĩ lại và từ chối lời mời làm việc:
1. Công ty trả lương cao hơn rất nhiều so với mong đợi
Điều quan trọng đầu tiên là bạn phải xem xét cẩn thận các cơ hội việc làm mà bản thân nhận được, bởi vì không có cơ hội nào là dễ dàng.
Ví dụ, nếu một công ty đưa ra lời đề nghị với mức lương cao hơn rất nhiều so với mong đợi của bạn thì bạn cần phải tự hỏi rằng tại sao họ lại quyết định như thế. Năng lực của bạn có thực sự xứng đáng với số tiền đó hay không? Khoản tiền đó có nguy hiểm không? Có điều gì đó đang diễn ra trong công ty mà họ không nói cho bạn biết? Liệu công việc có khó khăn hơn nhiều so với bạn nghĩ? Liệu bạn có phải làm việc nhiều thời gian hơn so với quy định?
Nếu có thắc mắc, bạn có thể hỏi lại để chắc chắn hơn trước khi quyết định chấp nhận hay từ chối lời mời làm việc. Tuy nhiên, đó vẫn là một dấu hiệu cho thấy có những điều không rõ ràng trong cơ hội công việc của bạn.
2. Công ty có danh tiếng xấu
Trước khi gửi đơn xin việc vào vị trí nào đó, ngoài chế độ, yêu cầu công việc thì bạn nên tìm hiểu thêm những thông tin liên quan về công ty. Những công ty thường xuyên tuyển nhân viên mới cho cùng một vị trí trong thời gian ngắn có thể là một công ty “có vấn đề”. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu thông tin qua Internet hoặc người quen (nếu có) từng làm việc ở đó. Nếu công ty liên tục nhận được các đánh giá tiêu cực, có lẽ bạn không nên ứng tuyển hoặc chấp nhận lời mời làm việc của họ.
Tìm hiểu những thông tin liên quan đến công ty là điều cần thiết
3. Không có thông tin rõ ràng về công ty và vị trí làm việc
Nếu bạn ứng tuyển vào một công ty khởi nghiệp thì trong một số khả năng nhất định, bạn có thể chấp nhận sự thật là họ chưa có nhiều thông tin, nhưng dù sao cũng hãy chắc chắn rằng bạn tham gia một công ty có hình thức kinh doanh rõ ràng, minh bạch. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định rõ ràng vai trò và trách nhiệm của bản thân khi làm việc như một nhân viên tại đó. Nếu họ không thể cung cấp những thông tin cơ bản cho bạn, đó sẽ là một dấu hiệu cảnh báo.
Ngoài ra, cũng có những công ty không xác định rõ vai trò của bạn dù là khi đăng tuyển dụng hay phỏng vấn, khi đã chấp nhận lời mời làm việc có thể bạn sẽ phải làm những việc mà trước đó họ không đề cập đến hoặc tệ hơn là những việc bản thân bạn không hề muốn làm. Lúc đó bạn đã bị mắc kẹt và rất khó để nghỉ việc ngay lập tức.
Hy vọng những thông tin kể trên đã mô tả chi tiết cho bạn về những dấu hiệu cảnh báo nên từ chối lời mời làm việc. Điểm mấu chốt ở đây là nếu chỉ cần có 1 trong 3 tình huống, bạn cũng cần suy nghĩ lại và tìm hiểu nhiều hơn trước khi ra quyết định cuối cùng.